Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đã gắn bó với cây cam ở nông trường Xuân Thành (Nghệ An) từ những năm 1980, chị Na đã chứng kiến nhiều khó khăn, gian nan của bố mẹ và người làng. Sau khi chuyển hẳn sang trồng cam và háo hức chờ đợi vụ cam đầu tiên ra trái vào năm 2000, bố mẹ chị và những người dân xung quanh gặp không ít khốn đốn khi bị thương lái ép giá.
Có những khi cam chín rụng cũng không ai mua hoặc phải bán với mức giá bèo bọt, phải trực tiếp mang cam xuống chợ Vinh và các chợ lẻ khác bán nhưng chẳng đáng bao nhiêu, rồi hàng tấn cam rụng, cam ngơ bị đổ đi trong xót xa. Trong khi người trồng cam khóc ròng thì ngoài thị trường, người tiêu dùng vẫn mua phải cam kém chất lượng với giá cao.
Cuối năm 2013, một đơn vị ở Hà Nội đặt mua 1,5 tấn cam tươi đúng lúc gia đình chị Na đang gặp khó với bài toán đầu ra, bố mẹ chị đã cất công thuê xe vận chuyển cam từ Nghệ An ra Đông Anh giao cho khách hàng nhưng cuối cùng phát hiện bị lừa khi hàng đã giao mà không thu được tiền. Bằng các mối quan hệ, chị tìm ra được cơ sở đã đặt mua, thu hồi 900kg cam. Rồi thông qua mạng xã hội và bạn bè, chị bán hết số cam đó chỉ trong ba ngày.
Dù bán hết hàng nhưng chị cảm thấy xót xa cho bố mẹ và những người trồng cam khi bỏ ra quá nhiều vốn liếng, sức lực và tâm huyết cả đời mà thu về chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn bị lừa đủ đường. Đó cũng là thời điểm chị nhận ra đã đến lúc bẻ lái trên con đường sự nghiệp, “bén duyên” với nghề trồng cam.
Đang làm việc ở Honda, chị trăn trở rằng mình học xong có công ăn, việc làm ổn định nhưng liệu có cách gì để giúp bố mẹ đỡ vất vả hay không. Chị quyết định xin nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp và gia đình, quay về quê hương thành lập Công ty Cổ phần Trang trại Nông sản Phủ Quỳ làm thị trường cho quả cam của trang trại Kỳ Yến và các trang trại xung quanh.
Càng đi sâu, chị càng nhận ra có quá nhiều vấn đề phải làm, từ xây dựng thương hiệu đến các tiêu chuẩn, quy trình phát triển… Trong khi đó, việc sản xuất cam ở quê không được tổ chức chặt chẽ và đều mang tính tự phát nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chị Na cho rằng, làm nông nghiệp cần có kiến thức, chuyên môn. Có thể những kiến thức đó không đến từ trường, lớp nhưng người làm nông nếu dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu và học hỏi thì may ra mới thành công.
Thử nghiệm thành công mô hình trồng cam sinh thái nhờ tư duy khác biệt
Với tâm niệm “muốn bán cam tốt trước hết phải thật am hiểu về nó” cùng với sự hỗ trợ của một số kỹ sư yêu nông nghiệp sinh thái, chị quyết mày mò qua sách báo, internet và thử nghiệm trồng cam sinh thái, nghiên cứu các quy luật tự nhiên để ứng dụng vào quá trình canh tác giúp xây dựng hệ sinh thái cây cam, tái tạo nguồn dinh dưỡng cho cây cam.
Nhờ tư duy khác biệt, chị thử nghiệm thành công mô hình canh tác cam sinh thái, không sử dụng hoá chất trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thân thiện với môi trường bởi chị tin rằng muốn tạo lòng tin cho người tiêu dùng, chính bản thân mình phải làm tốt ngay từ đầu.
Tuy nhiên, chị Na lưu ý, nông nghiệp theo hướng sinh thái, thuận tự nhiên là nghiên cứu về tính tự nhiên, sinh thái của cây trồng để cố gắng tạo ra môi trường, điều kiện giống với tự nhiên nhất trong một hệ sinh thái đa loài để cây trồng, vật nuôi có thể phát triển tốt, đem lại nguồn nông sản có giá trị cho con người.
Để đạt được điều đó cần có thời gian và sự kiên trì, cần biết cách vận dụng cho phù hợp với điều kiện, môi trường thay vì quá cực đoan, tuyệt đối hóa vấn đề bởi nếu sử dụng sức người quá nhiều thì khó có thể trở thành hàng hóa kinh doanh.
Năm 2015, Cam Vinh Kỳ Yến là đơn vị đầu tiên ở Nghệ An có tổng cộng 10ha cam trồng theo quy trình VietGAP nhưng đến nay hầu hết diện tích đó đã dần chuyển đổi sang canh tác sinh thái từ năm 2016.
Không dừng lại đó, chị còn liên kết và đang tích cực hướng dẫn, đào tạo 29 hộ nông dân với tổng diện tích hơn 50ha trồng cam sinh thái hoặc hướng tới hạn chế canh tác hóa chất tối đa. Mặc dù nhiều hộ dân tham gia tập huấn sẵn sàng tin theo và chuyển đổi sang canh tác sinh thái nhưng vẫn còn những người nghi ngờ. Vì vậy, chị Na phải hướng dẫn chuyển đổi từng bước cho người nông dân, đó cũng chính là khó khăn mà chị và đội ngũ công ty luôn cố gắng kiên trì giải quyết từng ngày.
Không chỉ trồng và bán cam tươi, công ty của chị Na còn phát triển các sản phẩm từ trái cam như tinh dầu cam, mứt nước cam, mứt vỏ cam trà cam… với mẫu mã đẹp và chuyên nghiệp không khác gì những sản phẩm chế biến của các thương hiệu nước ngoài. Các sản phẩm được sản xuất cũng dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nhiên không sử dụng thêm chất bảo quản hay phụ gia hóa chất tổng hợp.
“Sau khi bắt đầu làm, những tư duy mới đã trở thành cơ hội với tôi. Trong phát triển sản phẩm nông sản, nhờ trước đó được học về kinh tế chính trị và làm việc với nhiều công ty lớn. Tôi may mắn và trở nên khác biệt, là một doanh nghiệp đầu tiên ở tỉnh làm bài bản, đạt nhiều thành tựu lớn”, chị Na chia sẻ.
Không chỉ làm tốt khâu sản xuất và phát triển sản phẩm, chị còn chú trọng quảng bá thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm. Nhớ lại lần đầu tiên đàm phán với Vinmart, những quả cam của chị Na bị từ chối do giá cao nhưng sau ba năm nhận thấy sản phẩm có uy tín, họ đã chủ động đề xuất đưa sản phẩm của chị vào hệ thống.
Hiện Cam Vinh Kỳ Yến đã được cung ứng vào hệ thống hơn 50 siêu thị, cửa hàng chủ yếu tại Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng và đang tiến hành mở rộng tại thị trường TP. HCM. Còn đối với dòng sản phẩm chế biến, chị đang chú trọng phát triển thử nghiệm qua kênh online và các kênh dành cho khách du lịch cũng như làm sản phẩm quà tặng mùa vụ. Chị còn chịu khó mang sản phẩm sang các nước như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc để giới thiệu và nghiên cứu thị trường.
Còn nhớ lần đầu tiên Cam Vinh Kỳ Yến tham dự hội chợ triển lãm quốc tế các sản phẩm nông nghiệp vào năm 2013, trong khi không có ai quan tâm đến bao bì, nhãn mác hay tem, chứng nhận cho các sản phẩm nông sản thì những quả cam của chị Na trở thành “ngôi sao vụt sáng”. Ngay từ những thời điểm bắt đầu, đội ngũ của chị đã được tiếp động lực rất nhiều.
Ngoài việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị và có doanh số bán hàng tốt, công ty của chị Na còn làm việc với các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để được hỗ trợ tư vấn và đào tạo, tổ chức các hoạt động và du lịch đến tham quan vườn, cũng như hỗ trợ đưa sản phẩm đi tham gia một số hội chợ quốc tế.