Với khái niệm sản phẩm hữu cơ, “Hữu Cơ”- xin hãy hiểu, đó là những gì thuộc về Tự nhiên, những gì thuận tự nhiên.
Thực tế chứng minh rằng, sản phẩm hữu cơ không có chất thải từ thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng. Chúng có vị ngon hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và bảo quản được lâu hơn. Rau quả hữu cơ có chứa nhiều chất chống oxy hoá có tác dụng chống các bệnh ung thư hơn các loại thực phẩm canh tác theo phương thức công nghiệp. Vì chúng thuận tự nhiên, chúng giữ được các đặc tính của tự nhiên với đầy đủ hàm lượng của các vitamin hay vi chất dinh dưỡng trong chúng từ thuở sơ khai.
Và thực tế cũng chứng minh rằng, Con Người cần thiên nhiên, chứ thiên nhiên không cần con người.
Tôi nói đến điều này, để lý giải vì sao nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn có thể được con người đưa vào vận hành theo cách cũ – như con người thuở sơ khai đã sống dựa vào tự nhiên để sống hòa hợp với tự nhiên và khoẻ mạnh.
Nó nôm na là như thế này: Trong canh tác và sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất, sau một thời gian sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu diệt cỏ,…v.v để cho cây trồng có sản lượng cao, thu hoạch nhanh chóng,…- việc đó sẽ để lại hệ lụy cho con người về lâu dài chỉ để đánh đổi lấy lợi ích trước mắt: đất trồng bị chai cứng, nhiễm độc, ô nhiễm nguồn nước xung quanh bởi dư lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ, phá hủy cân bằng hệ sinh thái và trở thành nguồn cơn cho hàng loạt căn bệnh thời đại cho con người: Suy tim, loãng xương, đau nửa đầu, dị ứng, tăng động, Parkinson,… và Ung thư.
Ngược lại với nó, trong hình thức canh tác hữu cơ, người nông dân dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, và kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác (sử dụng thiên địch).
Tất nhiên, để canh tác hữu cơ, nông dân ban đầu sẽ gặp những hạn chế: ngân sách để bổ sung đất có lợi, nhân lực và máy móc tự động có sẵn. Nhưng về lâu dài, việc quản lý nước bằng phương pháp canh tác hữu cơ có khả năng bảo tồn và tăng khả năng cung cấp nước cho khu vực đồng thời yêu cầu ít hơn rất nhiều để duy trì sự phì nhiêu của đất.
Cây trồng phát triển trên nền đất tốt và “khỏe mạnh” sẽ đạt được mức độ phát triển toàn diện, kháng bệnh tự nhiên vô cùng tốt. Bản thân cây trồng sẽ có được “hệ miễn dịch” tự thân mạnh mẽ, đẩy lùi tác nhân gây hại và tận dụng tối đa các nguồn lực từ đất, nước, ánh nắng mặt trời. Nhờ thế, mùa vụ sẽ đạt sản lượng cao hơn mà không cần phải tốn nhiều chi phí cho các công tác phòng trừ sâu bệnh, kích thích tăng trưởng.
.
Cao hơn canh tác hữu cơ một bậc – đó là một nền nông nghiệp sinh thái.
Có thể hiểu như thế này: canh tác hữu cơ là một phần cơ bản của nông nghiệp sinh thái. Nếu như canh tác hữu cơ là để đưa đến những sản phẩm nông nghiệp sạch và thuận tự nhiên – Thì nông nghiệp sinh thái là tạo ra một “hệ sinh thái” thu nhỏ để canh tác hữu cơ. Nói cách khác, nông nghiệp sinh thái là trồng thực phẩm trong các hệ thống đa dạng, 100% không hóa chất, và không sử dụng cây trồng độc canh, với đích đến cuối cùng là hướng tới bảo vệ sự cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ rừng, đất, nước và môi trường.
Trong nông nghiệp sinh thái, người nông dân không tạo ra chất thải, không sử dụng nhựa và chất hóa học, tái tạo năng lượng, vận dụng quy luật tự nhiên và tận dụng mọi nguồn lực có sẵn trong hệ sinh thái.
Trong nông nghiệp sinh thái, người nông dân xây dựng và duy trì độ phì nhiêu của đất thông qua việc duy trì sự kết hợp phù hợp của các loài thực vật (bao gồm cả cây cố định nitơ) trên đất quanh năm và tận dụng nhiều hơn các loại cây đa chức năng và cây lâu năm khác. Bất kỳ loại phân bón hoặc thuốc xịt nào đều được làm từ nguyên liệu thực vật, chẳng hạn như phân chuối ủ hoặc thuốc chống côn trùng lên men. Đó là canh tác dựa trên hệ thống tự nhiên.
Nông nghiệp sinh thái thực sự bền vững – nó có thể tái tạo và cải tạo các loại đất nông nghiệp bị suy thoái và hư hại bao phủ hầu hết thế giới, đồng thời cho phép chúng ta tiếp tục sản xuất lương thực trên đất đó vô thời hạn. Nền nông nghiệp thông thường làm suy thoái và cạn kiệt đất, và do đó không thể tiếp tục nuôi sống chúng ta, và “tiến bộ” đạt được trong nông nghiệp trong những thập kỷ qua đã phải trả giá rất lớn về môi trường và xã hội. Cho nên, nông nghiệp sinh thái chính là bảo tồn hạt giống cho tương lai.
Có một video giả tưởng về thế giới khi con người hoàn toàn biến mất. Các đường phố sẽ biến thành những cánh đồng và rừng rậm chỉ trong vòng 500 năm. Những công trình tồn tại lâu nhất là những công trình được kết cấu từ vật chất không phải nhân tạo, những ụ đất và đá tảng đồ sộ sẽ trở thành biểu tượng của hành tinh này chứ không phải những tòa nhà chọc trời mà con người đã xây dựng.
Côn trùng, lớp sinh vật có số lượng lớn nhất hành tinh, khi không còn con người sử dụng thuốc trừ sâu sẽ phát triển mạnh mẽ nhất. Theo đó, một chuỗi phản ứng sẽ xảy ra trong hệ sinh thái: thực vật sinh sôi rồi đến số lượng các loài chim cũng tăng lên. Và đi đến cuối cùng, trái đất sẽ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên hoàn hảo như thể con người chưa từng đứng đầu chuỗi thức ăn. .
.
Các nhà khoa học độc lập muốn hướng con người quay trở lại với lối canh tác và sinh tồn thuận tự nhiên đó, bằng cách dựng lên một viễn tưởng về tương lai. Viễn cảnh đó có hay không giúp chúng ta lưu tâm hơn đến hành động của con người trong hiện tại – khi bảo tồn địa vị trên hành tinh là nỗ lực không ngừng nghỉ của loài người từ thuở khai thiên lập địa. Nhưng chúng ta sẽ đứng ở đâu? Khi chúng ta không làm gì để hành tinh này xanh và sạch hơn? Chúng ta cần tỉnh thức và hành động ngay vì điều đó.