Trái Cây Thời Khó Khăn

Đánh giá bài viết này
Trái Cây Thời Khó Khăn

Người tiêu dùng nói chung nghĩ rằng họ chẳng can hệ gì tới việc gây ra ô nhiễm trong nông nghiệp. Nhiều người trong số họ muốn có thực phẩm không bị xử lý hoá chất. Nhưng thực phẩm đã xử lý hoá chất được đưa ra thị trường chủ yếu là để đáp ứng các sở thích của chính người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng đòi sản phẩm phải to, bóng, không tỳ vết. Để thỏa mãn những yêu cầu đó, những hoá chất nông nghiệp đã ngưng sử dụng từ năm hoặc sáu năm trước giờ lại nhanh chóng được đưa vào dùng.

Làm sao mà chúng ta rơi vào tình trạng khó xử như vậy? Người ta nói họ chẳng bận tâm liệu dưa chuột thẳng hay cong và rằng trái cây không cần đẹp mã. Nhưng hãy nhìn vào thị trường bán sỉ ở Tokyo nếu ta muốn biết giá bán thay đổi thế nào tuỳ theo ý thích của người tiêu dùng. 

Khi trái cây trông chỉ đẹp hơn một tí xíu, ta bán được giá cao hơn từ 10 tới 20 yên một ký. Khi trái cây được phân loại: “Nhỏ,” “Trung bình” hoặc “Lớn,” giá mỗi ký có thể tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba cùng với sự tăng lên của kích cỡ. 

Việc người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao đối với thực phẩm trái mùa cũng góp phần vào làm gia tăng việc áp dụng các phương pháp nuôi trồng nhân tạo và sử dụng hoá chất. Năm vừa rồi, những trái quýt Unshu được trồng trong nhà kính để bán vào mùa hè có giá cao gấp từ mười đến hai mươi lần so với quýt đúng vụ. Thay vì giá thông thường chỉ 20 đến 30 yên một ký, người ta đã trả giá trên trời tới 170 yên, 220 yên, thậm chí là 380 yên cho một ký. Và như thế, nếu ta đầu tư vài trăm ngàn yên để lắp đặt thiết bị, mua nhiên liệu cần dùng và làm việc thêm giờ, ta có thể thu được lợi nhuận. Làm nông trái vụ càng ngày càng trở nên được ưa chuộng. Để có những trái quýt sớm hơn chỉ một tháng, dân thành thị có vẻ khá hoan hỉ móc hầu bao để trả cho khoản đầu tư thêm của người nông dân về công lao động cũng như thiết bị. Nhưng nếu ta hỏi việc có loại trái cây này sớm một tháng quan trọng đến đâu đối với con người, thì sự thật là, việc đó chẳng quan trọng chút nào, và cái giá phải trả cho việc chiều theo sở thích đó không chỉ dừng lại ở tiền.

 Thêm nữa, một loại chất tạo màu, cách đây vài năm không được dùng thì bây giờ lại được sử dụng. Với hoá chất này, trái cây sẽ có màu trái chín sớm hơn một tuần. Giá bán tăng gấp đôi hoặc rớt một nửa, tuỳ thuộc vào việc trái cây được bán sớm một tuần hoặc bán sau mùng 10 tháng mười, bởi vậy người nông dân sử dụng hoá chất thúc trái cây trổ màu nhanh, rồi sau khi thu hoạch họ để trái cây trong phòng ủ chín bằng khí ga. Nhưng vì trái cây được hái bán sớm vẫn chưa đủ độ ngọt nên người ta sử dụng tới chất tạo

ngọt nhân tạo. Thông thường, ai cũng nghĩ rằng hoá chất tạo ngọt đã bị cấm sử dụng rồi, nhưng loại hoá chất tạo ngọt được phun lên cây thì không bị quy định là phạm luật một cách rõ ràng, minh bạch. Câu hỏi ở đây là liệu nó có rơi vào nhóm “hoá chất nông nghiệp” hay không? Dù câu trả lời là gì đi nữa thì hầu hết mọi người ai cũng sử dụng nó cả.

Trái cây sau đó được đưa đến trung tâm phân loại của nhà phân phối. Để có thể phân loại trái cây theo kích thước lớn nhỏ, người ta cho mỗi trái lăn xuống theo băng chuyền dài hàng trăm mét. Dập là chuyện thường gặp. Trung tâm phân loại càng rộng lớn thì trái cây càng bị va đập và nhào lộn lâu hơn. Sau khi được rửa bằng nước, những trái quýt được phun chất bảo quản và quét chất tạo màu lên. Cuối cùng, để hoàn thiện, một dung dịch sáp paraffin được quết lên và trái cây được đánh bóng trông cho hào nhoáng. 

Ngày nay, trái cây thực sự “bị đối xử rất tệ bạc.”

Thường quýt này chín tự nhiên vào cuối thu.

Như vậy, từ trước khi trái cây được thu hoạch cho đến khi nó được xuất đi và bày bán thì năm hoặc sáu loại hoá chất đã được dùng. Đấy là chưa kể tới phân bón và các hoá chất phun xịt đã được sử dụng khi cây đang sinh trưởng trong vườn. 

Và tất cả chuyện này là do người tiêu dùng muốn mua trái cây trông hấp dẫn hơn một chút. Sở thích nho nhỏ này đã đặt người nông dân vào một tình thế thật sự khó xử.

Những cách thức xử lý trái cây này được ứng dụng chẳng phải bởi vì người nông dân thích làm theo kiểu như vậy, hay vì những viên chức của Bộ Nông nghiệp thích đẩy người nông dân vất vả thêm. Chỉ tới khi nào quan niệm chung về giá trị thay đổi thì tình trạng này mới có thể cải thiện được.

 

Khi tôi còn làm ở Văn phòng Hải quan Yokohama 40 năm trước, chanh và cam Sunkist vẫn được xử lý theo cách đó. Tôi đã kịch liệt phản đối việc đưa hệ thống này vào Nhật, nhưng những lời của tôi chẳng thể ngăn nổi việc đưa chúng vào sử dụng. 

 

Nếu một hộ nông dân hay một hợp tác xã chọn dùng một quy trình xử lý mới, chẳng hạn như việc đánh sáp cho quýt, thì bởi vì với việc chăm chút thêm như thế, lợi nhuận sẽ cao hơn. Các hợp tác xã nông nghiệp khác sẽ để ý thấy điều đó và chẳng mấy chốc, họ cũng sẽ áp dụng quy trình mới này. Trái cây không được xử lý đánh sáp sẽ không còn bán được giá cao như trước nữa. Trong vòng hai, ba năm thôi, việc đánh sáp sẽ được sử dụng trên toàn quốc. Sự cạnh tranh sau đó sẽ làm giá hạ xuống, và tất cả những gì còn lại đối với nông dân chỉ là gánh nặng về khối lượng công việc và những chi phí phụ trội vào nguyên vật liệu và thiết bị. Bây giờ, người nông dân buộc phải sử dụng sáp bóng.

 

Lẽ dĩ nhiên là người tiêu dùng lãnh chịu hậu quả. Thực phẩm không tươi vẫn có thể bán được vì trông chúng tươi. Nói về mặt sinh học, trái cây trong trạng thái hơi héo đang giữ cho quá trình hô hấp và tiêu hao năng lượng ở mức thấp nhất có thể. Cũng giống như một người trong trạng thái thiền: sự trao đổi chất, hô hấp và tiêu hao ca-lo của anh ta ở mức cực kỳ thấp. Ngay cả khi anh ta nhịn ăn, năng lượng trong cơ thể vẫn sẽ được bảo tồn. Tương tự như vậy, khi trái quýt nhăn nheo, khi trái cây héo, khi rau rủ xuống, chúng đang trong trạng thái bảo tồn giá trị dinh dưỡng của mình trong khoảng thời gian lâu nhất có thể.

 

Thật sai lầm khi cố duy trì vẻ tươi ngon đơn thuần bên ngoài, như khi người bán hàng liên tục vẩy nước lên rau quả. Mặc dù rau quả giữ được vẻ tươi mới, nhưng hương vị và giá trị dinh dưỡng của nó sẽ giảm đi nhanh chóng.

 

Bất luận thế nào thì tất cả các liên hợp nông nghiệp và các cơ sở phân loại vẫn đang được tích hợp và mở rộng thêm để thực hiện các công đoạn không cần thiết như trên rồi. Đấy được gọi là quá trình “hiện đại hoá.” Sản phẩm được đóng gói và rồi hệ thống phân phối lớn chuyển tới tay người tiêu dùng.

 

Nói ngắn gọn, khi nào vẫn còn sự đảo ngược trong cảm nhận về giá trị, trong đó kích cỡ và hình thức bên ngoài được quan tâm nhiều hơn là chất lượng bên trong, thì vấn đề ô nhiễm thực phẩm sẽ không bao giờ được giải quyết.

 

Trích: Cuộc cách mạng 1 cọng rơm – M.Fukuoka

Đánh giá bài viết này

Có thể bạn sẽ thích


Giỏ hàng